VIÊM CÂN GAN CHÂN (PLANTAR FASCIITIS)

Viêm cân gan chân là kết quả của các chấn thương gây ra do sự căng quá mức ở cân gan chân, triệu chứng của tình trạng này thường ở gần gốc xương gót của của bàn chân.

❓Vậy thì cân gan bàn chân có hình dạng ra sao và có vai trò như thế nào ? Tại sao lại xãy ra hiện tượng căng quá mức như vậy? Chúng ta hãy cũng tìm hiểu theo trình tự từ Gải phẫu-Chức Năng-Chấn thương thường gặp-Các biện pháp khắc phục.

ℹ GIẢI PHẪU CÂN GAN BÀN CHÂN (PLANTAR FASCIA)

Cân gan chân là một cấu trúc collagen dày nằm bên trong lớp fascia nông và da lòng bàn chân. Nó bao gồm các sợi có cấu trúc theo chiều dọc cùng với một số sợi ngang. Phần trung tâm của cân gan chân là mạnh nhất, kéo dài từ phía trong củ xương gót đến các ngón. Dọc theo các trục của xương bàn chân, cân gan chân chia thành 5 dải, kéo dài đến từng ngón và liên tục với các màng bao ngón chân. Các dải sợi này được kết nối gần nhau thông qua các sợi ngang. Mỗi dải kết nối với lớp hạ bì của da. Điều này giúp neo kết dính vào lớp cân gan bên dưới giúp lòng bàn chân có thêm độ bám (theo Moore, Dalley và Agur, 2013). Ngoài ra, các dải sợi được củng cố bởi dây chằng xương bàn chân ngang.

Cấu tạo của cân gan bàn chân chia lòng bàn chân thành ba ngăn chứa các cơ nội tại của bàn chân.

ℹ CHỨC NĂNG

Cân gan chân giúp giữ các cấu trúc của bàn chân lại với nhau, đồng thời hỗ trợ tạo vòm dọc của bàn chân. Cân gan chân thường ổn định và khóa bàn chân ở tư thế quay ngửa trước khi đẩy ra.

Lớp đệm mỡ đa thùy dày đàn hồi này có nhiệm vụ hấp thụ tới 110% trọng lượng cơ thể khi đi bộ và 250% khi chạy và biến dạng nhiều nhất khi đi chân trần so với đi giày

ℹ NGUYÊN NHÂN & CÁC ĐỐI TƯỢNG HAY GẶP PHẢI

Thường biểu hiện dưới dạng chấn thương do sử dụng quá mức , chủ yếu là do căng (strain) lặp đi lặp lại, tình trạng căng Cân gan chân này được giải thích bởi “cơ chế windlass”, xảy ra khi gót bàn chân được nâng lên đưa cơ thể về phía trước trong quá trình đi hoặc chạy (Vui lòng đọc thêm tài liệu về cơ chế windlass để hiểu thêm về luận điểm này). Ngoài ra còn có thể do bàn chân nghiêng quá mức, khi vòm dọc trong bị xẹp xuống. Tình trạng này được tìm thấy ở cả bàn chân cứng (rigid foot) và bàn chân siêu di động (hypermobile feet)

Yếu cơ sinh đôi – cơ dép ở cẳng chân (có thể dẩn đến dấu hiệu gai gót chân) cũng là một dấu hiệu cho thấy cân gan chân đang ở tình trạng quá tải cũng dẫn đến tình trạng đau cân gan chân

Ngoài ra, những bất thường về cơ sinh học của bàn chân cũng là yếu tố góp phần vào sự xuất hiện của viêm cân gan chân.

• Giảm gập mặt lưng và duỗi khớp bàn ngón chân thứ nhất

• Tăng tầm vận động gập của lòng bàn chân

• Biến dạng Pes cavus hoặc pes planus

•Quay sấp quá mức

•Các hoạt động tác động/chịu trọng lượng như đứng, chạy trong thời gian dài, v.v.

•Đi giày không đúng cách

•BMI tăng cao (Ở những người chơi thể thao, BMI không liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm cân gan chân nhưng lại có liên quan đến những người không chơi thể thao. Một số bằng chứng cho thấy giảm cân có thể làm giảm đau chân.)

•Gai gót chân

•Bệnh tiểu đường (và/hoặc tình trạng chuyển hóa khác)

•Chênh lệch chiều dài chân

•Căng cứng và/hoặc yếu cơ bụng chân, cơ dép, gân ashin và cơ nội tại.

Tóm lại theo một đánh giá có hệ thống năm 2016 đã đưa ra luận điểm thuyết phục về 3 mối liên quan đến bệnh viêm cân gan chân, đó là: Cân gan chân dày lên, Gai xương gót và chỉ số BMI cao ở nhóm người không chơi thể thao

ℹ CÁC TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:

•Đau gót chân khi bước những bước đầu tiên vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài không mang trọng lượng

•Đau ở gót chân trong phía trước

•Hạn chế gập lưng và căng gân achilles

•Có thể có hiện tượng khập khiễng hoặc có thể thích đi bằng ngón chân

•Cơn đau thường nặng hơn khi đi chân trần trên bề mặt cứng và khi leo cầu thang

•Nhiều bệnh nhân có thể đã tăng đột ngột mức độ hoạt động trước khi xuất hiện các triệu chứng.

ℹ GIẢI PHÁP ?

Điều trị viêm cân gan chân là các liệu pháp với mục đích chính là giảm viêm và giảm sự căng của cân gan chân, phục hồi sức mạnh và khả năng vận động của mô, đồng thời kiểm soát mọi bất thường về cơ sinh học.

⁉Các biện pháp bảo tồn là lựa chọn đầu tiên:

•Viêm cấp có thể được kiểm soát bằng chườm đá, thuốc chống viêm (Nếu viêm quá lâu). Kết hợp với BĂNG KINESIO giúp ổn định mô, giữ bàn chân ở vị trí trung lập và bảo vệ các mô lòng bàn chân khỏi bị kích ứng liên tục trong giai đoạn đầu phục hồi.

•Dùng miếng lót giày hoặc dụng cụ chỉnh hình và nẹp ban đêm có thể được dùng kèm với các biện pháp trên.

•Hướng dẫn bệnh nhân cách kéo giãn và bài tập phục hồi thích hợp: cân gan chân ; gân achilles ; Cơ bụng chân ; và cơ dép.

⁉Cuối cùng, nếu sau nhiều ngày nghỉ ngơi và tập luyện mà triệu chứng đau của bạn vẫn không thuyên giảm thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở phòng khám Phục hồi chức năng để được chẩn đoán và điều trị phù hợp

ℹ PHÒNG NGỪA ?

Khi có triệu chứng nhẹ nên được đánh giá vận động các khớp cổ chân và bàn chân cũng đặc biệt là các khớp xương sên.

1. Kéo giãn thường xuyên (Hàng Ngày)

Kéo dãn thường xuyên ở mức không gây đau này mỗi ngày để giữ cho cân gan chân và các cấu trúc xung quanh được linh hoạt giúp giảm đau chân và cải thiện khả năng đi lại cho những người bị viêm cân gan chân

- Đầu tiên là kéo giãn bắp chân

Đứng quay mặt vào tường. Đặt mình cách tường một cánh tay và đặt hai bàn tay phẳng trên tường. Đặt cả hai chân phẳng trên sàn, duỗi một chân ra phía sau bạn. Gập chân trước một chút cho đến khi bạn cảm thấy căng nhẹ ở bắp chân sau. Giữ trong 20-30 giây và lặp lại ba lần cho mỗi bên.

- Kéo giãn Plantar Fascia ở tư thế ngồi

Bắt đầu bằng cách ngồi trên ghế và bắt chéo một chân qua đầu gối kia. Mắt cá chân của bạn phải nằm trên đầu gối của chân đối diện. Dùng một tay giữ cổ chân, tay kia giữ ngón chân. Một cách nhẹ nhàng và có kiểm soát, kéo các ngón chân về phía sau cho đến khi bạn cảm thấy căng ở lòng bàn chân. Giữ trong 20-30 giây và lặp lại ba lần cho mỗi bên.

2. Tập mạnh cơ

Tăng sức mạnh các cấu trúc bàn chân cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm cân gan chân và cải thiện khả năng vận động. Những bài tập cân gan chân này có thể được thực hiện một đến hai lần một ngày.

- Bắt đầu ở tư thế đứng trên bậc thang với vật gì đó để tựa vào. (Bạn cũng có thể thực hiện bài tập này trên mặt đất bằng phẳng nếu cảm thấy thoải mái hơn.) Lùi lại sao cho ngón chân của bạn đặt trên bậc thang và gót chân của bạn nhô ra khỏi mép. Bây giờ, hạ gót chân xuống, giữ đầu gối thẳng. Nhẹ nhàng di chuyển lên xuống 5-10 lần và lặp lại ở phía bên kia.

3. Massage cân gan chân

- Mát-xa giúp giải phóng mô gan chân bị căng cứng và làm tăng lưu lượng máu đến khu vực đó để thúc đẩy quá trình lành vết thương và giảm viêm — và tất nhiên là nó mang lại cảm giác dễ chịu! Đơn giản chỉ cần đặt chân lên trên một quả bóng nhỏ, con lăn xốp nhỏ hoặc chai nước đông lạnh.

- Từ từ lăn bàn chân của bạn qua dụng cụ tập, bắt đầu ngay từ phần mũi chân và di chuyển xuống khu vực ngay phía trên gót chân. Tập bài này trong năm đến mười phút mỗi ngày trên mỗi chân.

- Bạn cũng có thể dùng tay xoa bóp bóng, lòng bàn chân và gót chân theo chuyển động chậm, tròn vào mỗi buổi sáng và mỗi tối. Tự xoa bóp hai đến ba lần một ngày trong vài tuần sẽ giúp giảm các triệu chứng hiện tại và ngăn ngừa viêm cân gan chân trong tương lai

4. Sử dụng dụng cụ chỉnh hình lót giày

- Những người có bàn chân bẹt thiếu sự hỗ trợ vòm và dễ bị nghiêng quá mức, tức là bàn chân nghiêng vào trong khi đi bộ. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ viêm cân gan chân. Miếng lót giày chỉnh hình có thể được sử dụng để bù đắp cho sự khác biệt về mặt giải phẫu và dáng đi này nhằm giảm bớt căng thẳng trên cân gan chân trong thời gian ngắn. Bạn có thể mua dụng cụ chỉnh hình ở nhiều nhà bán lẻ nổi tiếng hoặc đến gặp bác sĩ chuyên khoa chân để có những miếng đệm tùy chỉnh được thiết kế phù hợp với kích thước và hình dạng bàn chân của bạn.

5. Sử dụng Kinesio Taping

- Băng dán trị liệu Kinesio trong trường hợp này sẽ giúp ổn định & nâng vòm bàn chân, đồng thời chịu lực giúp giảm tải lên cân gan chân giúp kéo dài thời gian vận động

- Ngoài ra, đối với các trường hợp cân gan chân bị căng và thắt do hoạt động quá mức, băng Kinesio sẽ giúp thư giãn và kéo giãn cân gan chân, giúp cho trục windlass được cân bằng, khả năng chịu lực của người bệnh được cải thiện

6. Nghỉ ngơi

- Nghỉ ngơi là điều hết sức cần thiết ngay sau các hoạt động thể chất của bạn nhằm giảm áp lực và sự căng các cấu trúc của bàn chân và cẳng chân. Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên chạy đường dài hoặc chơi các môn thể thao cần phải nhảy nhiều, hãy xen kẽ các bằng các buổi tập thể chất khác như bodyweight, pilates, yoga nhằm bổ sung sức mạnh các nhóm cơ và tăng tính linh hoạt cho các khớp, từ đó sẽ giảm thiểu nguy cơ chấn thương.