HỘI CHỨNG DẢI CHẬU CHÀY (ITB)-NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Dạo gần đây có nhiều anh chị gặp phải hội chứng này nhưng chưa năm rõ nguyên nhân và cách tiếp cận Kinesio taping như thế nào nên admin đăng full bài hơi dài. Mọi người đọc từ từ thôi nha !
Hội chứng dải chậu chày (ITBS) là một chấn thương do sử dụng hay vận động quá mức. Điểm đau phổ biến xuất hiện từ đầu gối hoặc hông với mức độ từ nhẹ đến nặng. Hội chứng ITB chiếm 10% số ca chấn thương khi đạp xe và gần 25% tổng số ca chấn thương khi chạy bộ. Hầu hết những người bị đau ITB đều có thể điều trị bằng vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống. Bạn có đang gặp phải vấn đề này không ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các yếu tố rủi ro và cách ngăn ngừa Hội chứng IT Band để bạn có thể tận hưởng các hoạt động yêu thích của mình mà không bị đau đớn!
NGUYÊN NHÂN GÂY RA HỘI CHỨNG ITB?
Để hiểu nguyên nhân tại sao lại có các triệu chứng ITB, hãy xem xét giải phẫu của chân từ xương chậu đến ngay dưới đầu gối. Dải chậu chày là một dải mô liên kết dài, dày và khỏe nối dọc theo mặt bên từ mào chậu với xương chày. Nằm cạnh là cơ mông nhỡ và cơ rộng ngoài, đầu gần ITB bám vào xương chậu bắt đầu từ phần trước bên của mào chậu bao gồm các lớp nông và sâu ( xen giữa các lớp nông sâu này là cơ căng mạc đùi) hội tụ lại tạo thành một dải duy nhất sau khi tách khỏi cơ căng mạc đùi. Đầu xa của dải này gắn vào lồi cầu ngoài xương chày.
CHỨC NĂNG ITB: ITB bám vào các cơ : Căng mạc đùi, cơ mông lớn kéo dài xuống bám vào lồi cầu ngoài của xương chày. Vị trí bám này cho phép các cơ căng mạc đùi, cơ mông lớn ổn định khớp gối khi thực hiện động tác duỗi gối.
NGUYÊN NHÂN ĐAU
Sử dụng quá mức là một trong những nguyên nhân gây đau ITB. Khi bạn gập đầu gối, dây ITB sẽ trượt ngược lại với phần bên ngoài của đầu dưới xương đùi. Động tác gập và duỗi đầu gối lặp đi lặp lại này như trong trường hợp chạy đường dài có thể dẫn đến kích hoạt ITB
Bạn cũng có thể bị đau nếu ITB bị co thắt. ITB khi bị thắt và ngắn sẽ kém linh hoạt hơn. Khi đầu gối gập, các sợi này khi bị co thắt sẽ cọ sát vào xương. Ma sát này dẫn đến viêm điểm bám ở xương, gân và bao hoạt dịch.
Cơn đau do ITB được mô tả với cảm giác nóng rát hoặc nhức thường xảy ra ở bên ngoài đầu gối hoặc có thể lan lên đùi và hông. Cơn đau có thể xuất hiện sau một thời gian hoạt động thể chất. Trong những trường hợp nặng hơn, cơn đau ITB bắt đầu sớm hơn khi tập luyện và kéo dài rất lâu sau khi bạn ngừng tập luyện.
Ai có nguy cơ mắc Hội chứng ITB này không?
- Những vận động viên chạy đường dài hoặc tham gia các môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, trượt tuyết và đạp xe là các đối tượng dễ bị đau và căng ITB nhiều nhất.
- Người không khởi động hoặc kéo giãn cơ khi tập thể dục hoặc chơi thể thao cũng sẽ dễ gặp vấn đề ITB này.
- Ngoài ra, nguyên nhân khác cũng đến từ vấn đề yếu nhóm cơ lõi và nhóm cơ dang hông, khả năng cân bằng kém cũng ảnh hưởng đến sự vận động của bạn khiến dây IT bị thắt. Tuy nhiên, một số người sinh ra đã có những khác biệt về mặt giải phẫu khiến cho ITB luôn ở trình trạng bị căng quá mức. Chân cong và bàn chân quay sấp quá mức là hai ví dụ phổ biến.
CÁCH PHÒNG NGỪA HỘI CHỨNG ITB
Nhiều người sẽ trải qua cơn đau ITB vào một thời điểm nào đó trong đời, đặc biệt là những người hoạt động thể thao cường độ cao. Tin tốt là tình trạng này thường có thể được khắc phục mà không cần phẫu thuật.
Dưới đây là 9 cách để ngăn ngừa ITB và tránh đau hông, đầu gối:
1. Khởi động trước khi tập luyện
Khởi động tốt bao gồm các động tác giãn cơ dành riêng cho thể thao để giúp cơ thể bạn dễ dàng chuyển động và cải thiện phạm vi chuyển động. Nếu bạn bắt đầu chạy ngay lập tức khi dải ITB vẫn còn chưa linh hoạt,sẽ dễ bị thắt và gây kích ứng mô hơn.
2. Kéo giãn sau khi tập luyện
Kéo giãn tĩnh là khi bạn di chuyển một cơ vào vị trí và giữ trong 45-60 giây. Những động tác giãn cơ này rất tốt để hạ nhiệt sau khi tập luyện. Sử dụng con lăn massage để giải phóng căng cơ sau khi tập luyện cũng có lợi trong việc ngăn ngừa đau dải chậu chày và thúc đẩy sự thư giãn.
3. Tăng cường độ tập từ từ
Học viện Y khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên bắt đầu tập luyện với 5-10 phút hoạt động với cường độ thấp đến trung bình để làm nóng cơ thể và chuẩn bị cho bài tập nặng và khó hơn. Ví dụ: nếu bạn chạy, hãy đi bộ nhanh 10 phút để làm nóng và chuẩn bị cho cơ thể bắt đầu với tốc độ nhanh hơn, đòi hỏi khắt khe hơn.
Tương tự đối với các môn thể thao hoặc chế độ tập thể dục khác bạn, Hãy cho cơ thể thêm thời gian khi bạn quyết định tăng trọng lượng, thời lượng và cường độ tập và mức tăng 10% hàng tuần là mức an toàn. Cách tiếp cận chiến lược này giúp các mô có thời gian để chữa lành và thích nghi theo thời gian.
4. Mang giày phù hợp
Nhiều người có thể không tin nhưng giày thể thao đóng một vai trò quan trọng trong dáng đi, tư thế và nguy cơ mắc hội chứng ITB khi vận động. Nếu bạn chạy bộ, hãy thay giày thể thao sau mỗi 300-500 dặm. Điều này cũng đúng đối với giày đế bằng và các loại giày dành riêng cho thể thao khác. Giày phải vừa vặn và cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ để hấp thụ sốc và khuyến khích kiểu di chuyển ưa thích.
5. Chạy trên các bề mặt nhẵn
Nếu môn thể thao yêu cầu chạy nhiều nên thực hiện trên bề mặt bằng phẳng. Trường hợp chạy xuống dốc trong thời gian dài làm tăng sức căng ITB và gây co thắt cho cơ tứ đầu. Cơ tứ đầu bị mỏi sẽ kém hiệu quả trong việc ổn định khớp gối, làm tăng nguy cơ chấn thương đầu gối.
6. Kỹ thuật chạy tốt
Kỹ thuật chạy phù hợp kết hợp các hình thức tập thể dục bổ trợ khác cho phép cơ thể linh hoạt, tăng sức chịu đựng từ đó không gây tổn hại đến một số khớp và cơ nhất định. Kỹ thuật không đúng hoặc không phù hợp khiến cơ thể tiêu hao năng lượng dư thừa để bù đắp cho việc vận động kém hiệu quả. Kỹ thuật tốt giúp cơ thể ở tư thế ổn định và vững mạnh nhất có thể để chuyển động tự nhiên, khỏe mạnh. Điều đó sẽ giúp giảm ITBS và các chấn thương trong thể thao khác.
7. Tăng sức mạnh cơ bắp bằng các bài tập bổ trợ
Để giảm bớt căng thẳng cho ITB, hãy rèn luyện sức mạnh cho các cơ xung quanh nó.
Các bài tập rèn luyện sức mạnh cho cơ tứ đầu và cơ mông không chỉ ngăn ngừa hôi chứng đau ITB mà còn bảo vệ đầu gối và mắt cá chân khỏi các chấn thương khác.
Ngoài ra cần bổ sung các bài tập cơ lõi vì khi cơ lõi yếu hoặc không linh hoạt sẽ ảnh hưởng đến chức năng của cánh tay và chân.
Người bị ITB nên cần có một kế hoạch vận động trị liệu bao gồm các bài tập chiến lược nhằm vào các nhóm cơ quan trọng này sẽ giúp ngăn ngừa ITB.
8. Quay lại hoạt động chậm rãi
Khi có chấn thương ITB hay các chấn thương khác, hãy dành thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại vận động. Quá trình phục hồi thực sự cần có thời gian và một chế độ tập luyện toàn diện để xây dựng lại sức mạnh và sức bền cơ thể. Nếu vận động quá sớm và chưa đúng cách, khả năng tái chấn thương sẽ rất cao
9. Lắng nghe cơ thể bạn
Cuối cùng, hãy chú ý đến những dấu hiệu bất thường đang diễn ra trong cơ thể. Đau chính là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn và cần được giải quyết. Trong một số trường hợp, tất cả những gì cần thiết là một vài ngày nghỉ ngơi.
Nhưng khi cơn đau dai dẳng hoặc dữ dội, cứng khớp và có thể đau khi vận động có thể là dấu hiệu của một chấn thương nghiêm trọng. Hãy nhanh chóng liên hệ các trung tâm hoặc chuyên gia trị liệu để được tư vấn quá trình điều trị kết hợp vận động một cách phù hợp
------------------------------------------------------------------------
Sau đây là cách tiếp cận Kinesio Taping nhằm hỗ trợ giảm đau và đồng thời hỗ trợ vận động phòng ngừa hội chưng ITB VAI TRÒ VÀ CÁCH TIẾP CẬN KINESIO TAPING CHO HỘI CHỨNG ITB
Giai đoạn cấp: Giai đoạn sau chấn thương trong vòng 2-4 ngày, đau dữ đội, căng cứng. Kinesio Taping ở giai đoạn này sẽ giúp giải phóng dịch, giúp dòng dịch được lưu thông tốt hơn, từ đó giảm đau, sưng, viêm (nếu có), đồng thời giúp các sợi cơ được thư giãn, giảm co thắt.
Giai đoạn bán cấp hoặc phòng ngừa: Giai đoạn sau chấn thương 7-14 ngày, cơn đau cấp đã hết. Người bị vẫn cảm thấy hơi căng, và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Mục đích dùng Kinesio Taping ở giai đoạn này là để thư giãn dải mô liên kết dày, ngăn ngừa tình trạng căng cứng trở lại, giúp các sợi mô liên kết (fascia) trượt lên nhau dễ dàng, hỗ trợ bệnh nhân dễ dàng thực hiện các bài tập vận động phục hồi chức năng và quay trở lại sinh hoạt thường ngày
Lưu ý: Trong quá trình phục hồi, người bệnh được khuyến khích đứng với trọng lượng đều trên hai chân, không nên đứng trụ một bên này hay bên kia. Tránh bắt chéo chân khi bạn ngồi để giảm áp lực cho dải chậu chày. Giảm khoảng cách chạy hay đạp xe hoặc đi bộ cũng có thể giảm bớt tình trạng chấn thương
-------------
Phương pháp Kinesio Taping hiện đã được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng.
Anh/chị quan tâm đến phương pháp điều trị này và muốn trải nghiệm xin vui lòng truy cập danh sách phòng khám trên website Kinesiovietnam.com để tìm địa chỉ phòng khám gần nhất hoặc nhắn tin fanpage để được tư vấn chi tiết!